Theo truyền thông Hàn Quốc chia sẻ, lương các tuyển thủ LCK rất cao nhưng lại không phải ra sân thi đấu nhiều như các môn thể thao truyền thống.
Cách đây ít ngày, T1 đã tổ chức thành công sự kiện T1 Home Ground của mình với một “lễ hội” dành cho fan, đồng thời đây cũng là nơi diễn ra trận “đại chiến viễn thông” rất hấp dẫn của LCK. Nhờ có sự kiện này, T1 đã thu về khoảng 700 triệu KRW và cũng được coi là sự kiện cực kỳ thành công của giải đấu quốc nội là LCK.

Tuy nhiên, nhìn lại hệ thống giải đấu của LCK hiện tại, giới truyền thông Hàn Quốc cho các ngành Esports nói chung và LCK nói riêng đang có quá ít hoạt động thi đấu, cụ thể hơn là tổ chức thi đấu quá ít so với các bộ môn thể thao truyền thống. Ví dụ như giải bóng chày chuyên nghiệp hay bóng rổ chuyên nghiệp, các đội chơi từ 54 đến 144 trận đấu thường niên. Trong khi đó, các đội tuyển LCK chỉ thi đấu vỏn vẹn 18 trận mỗi mùa và 36 trận trong cả năm (Vòng Bảng). Điều này không chỉ hạn chế về khả năng thúc đẩy doanh thu, nó còn khiến LCK tự giới hạn mình trong khuôn khổ 36 trận đấu với rất ít cơ hội quảng bá thương hiệu và thu hút các nhà tài trợ.
Ngoài ra, truyền thông Hàn cũng chỉ ra rằng số trận thi đấu vẫn giữ nguyên dù rằng mức lương tại đây ngày càng tăng. Hiện tại, mức lương tối thiểu mỗi năm ở LCK là 60 triệu KRW, con số này thậm chí cao hơn mức lương tối thiểu hàng năm của các giải đấu thể thao truyền thống như KBL (40 triệu KRW), KBO (30 triệu KRW), K League (27 triệu KRW),... ở Hàn Quốc. Con số này cho thấy các tuyển thủ LCK có mức lương cao hơn nhưng lại phải thi đấu ít trận đấu (tối thiểu) hơn mỗi năm).

Vì nguyên nhân này, truyền thông Hàn Quốc cho rằng không chỉ Riot Games đưa ra thay đổi lớn về các giải đấu Esports của Liên Minh Huyền Thoại trong năm 2025, mà chính LCK cũng sẽ tự đưa ra những thể thức thi đấu mới với số trận tăng gấp đôi hoặc thêm thắt một số hình thức thi đấu như LPL. Bằng cách này, các tuyển thủ được ra sân nhiều hơn và ban tổ chức cũng sẽ có thêm doanh thu từ nhà thi đấu.