Với tựa game Doom 2016, id Software đã hồi sinh loạt game bắn súng huyền thoại một cách ngoạn mục. Thành công đó được tiếp nối bằng Doom Eternal, mang đến nhịp độ hành động dồn dập, đẩy trải nghiệm Doom lên một tầm cao mới. Doom: The Dark Ages là phần thứ ba trong loạt game Doom Reboot, lấy bối cảnh tiền truyện của Doom 2016, đồng thời giới thiệu nhiều thay đổi thú vị trong công thức quen thuộc. Game mang đến một trải nghiệm vừa quen thuộc vừa mới mẻ, với hàng loạt kẻ địch quỷ dữ đang chờ đợi để bị tiêu diệt bởi người chơi.
Lối chơi chậm hơn, nhưng vẫn đầy hỗn loạn
Nhiều người cho rằng Doom: The Dark Ages chậm hơn so với Doom Eternal – điều này đúng một phần, nhưng game vẫn có nhịp độ cao. Các trận chiến cực kỳ hỗn loạn, với hàng chục kẻ địch tấn công liên tục, buộc người chơi phải luôn di chuyển. Điểm khác biệt là Slayer trong phần này có phong cách chiến đấu “trầm hơn” và được trang bị vũ khí mới Shield Saw – một lá chắn kiêm cưa máy có thể dùng để chặn đòn và phản công cực mạnh.
Shield Saw – Vũ khí thay đổi cuộc chơi
Shield Saw là điểm sáng lớn nhất của Doom: The Dark Ages. Người chơi có thể lao đến kẻ địch ở xa chỉ trong chớp mắt để tung ra cú đánh nát xương. Vũ khí này cũng có thể được ném ra xa – cảm giác như chơi một phiên bản Captain America cực kỳ bạo lực. Shield Saw có thể chặn phần lớn các đòn tấn công, nhưng nổi bật nhất là khả năng parry (phản đòn).



Các đòn tấn công trong game được phân biệt bằng các màu sắc (mã màu) giúp cho người chơi dẽ phản ứng hơn: đòn xanh có thể parry, còn đòn khác nên tránh hoặc chặn. Parry thành công sẽ làm kẻ địch hở sườn, cho phép Slayer tấn công bằng vũ khí cận chiến hoặc súng nâng cấp. Về sau, người chơi có thể mở khóa rune giúp tăng lợi ích từ parry, khiến nó càng đáng sử dụng hơn.
Mặc dù một số người cho rằng cơ chế đánh mã màu làm game “quá kiểu trò chơi”, nhưng cảm giác parry chính xác rồi kết liễu đối thủ bằng combo bạo lực là rất thỏa mãn. Doom: The Dark Ages khuyến khích lối chơi cực kỳ chủ động, khi việc tấn công và tiêu diệt kẻ địch là nguồn hồi máu, giáp và đạn chính.
Những phân cảnh đặc biệt: cưỡi rồng và điều khiển robot
Phần lớn thời gian, người chơi sẽ điều khiển Slayer trên mặt đất. Tuy nhiên, game cũng có một số phân cảnh cho phép người chơi cưỡi rồng công nghệ hoặc điều khiển robot khổng lồ Atlan. Những phân đoạn này giữ nguyên lối chiến đấu nhanh, nhưng thay vì parry, người chơi sẽ né các đòn tấn công xanh. Rồng sẽ tăng số lượng tên lửa khi né thành công, còn robot thì tích năng lượng để tung chiêu đặc biệt.
Ban đầu, các đoạn chơi này rất hấp dẫn, nhưng bị lặp lại và thiếu sự đa dạng, giống như nhược điểm chung của cả game.


Khả năng tùy chỉnh độ khó cao
Người chơi kỳ cựu nên tăng độ khó ngay từ đầu. Ở mức Hurt Me Plenty (trung bình), game khá dễ. Doom: The Dark Ages cho phép tùy chỉnh parry window, phù hợp với cả người thích và không thích cơ chế này – một tính năng chất lượng cuộc sống rất đáng khen.
Game còn cung cấp cảnh báo điểm không thể quay lại, giúp người chơi sưu tầm không bị bỏ lỡ vật phẩm trước khi tiến quá xa.
Bí mật, thử thách và độ hoàn thiện cao
Các màn chơi đầy rẫy bí mật, vật phẩm, và vàng dùng để nâng cấp vũ khí. Dù tuyến đường khá tuyến tính, nhưng khám phá kỹ sẽ giúp người chơi mạnh hơn. Ngoài ra, mỗi màn chơi có thử thách riêng, và từng súng có nhiệm vụ mastery, giúp game có giá trị chơi lại cao.

Game có tổng cộng 22 chương, với nhiều cutscene hoành tráng (khó mô tả mà không spoil). Tuy nhiên, cốt truyện không có gì nổi bật, nhân vật mờ nhạt, và cảm xúc gần như không tồn tại. Nhưng đó chưa bao giờ là trọng tâm của Doom – điều quan trọng là hình ảnh ấn tượng và hành động máu lửa, và game đã làm rất tốt điều đó.
Đồ họa trong cutscene và gameplay đều rất đẹp và mượt, với quái vật kinh dị một cách nghệ thuật, chi tiết khủng khiếp, máu thịt bay tung tóe khi trúng đạn, và tất cả đều được hỗ trợ bởi nhạc nền metal cực cháy.

Vẫn còn một vài thiếu sót
Cảm giác lặp lại nhàm chán
Mặc dù cực kỳ cuốn hút ban đầu, hơn nửa sau game bắt đầu lặp lại. Khi không còn kẻ địch mới hoặc vũ khí mới, gameplay trở nên đơn điệu vì game gần như chỉ xoay quanh chiến đấu, và việc lặp lại cùng một loại quái trở nên nhàm chán. Doom Eternal từng dùng platforming để đổi nhịp, trong khi Doom: The Dark Ages thiếu yếu tố này để duy trì sự tươi mới.
Các trận boss thiếu đặc sắc
Một điểm trừ khác là các trận boss khá nhạt nhòa. Game có rất ít boss thật sự, và các trận chiến này không khác gì đánh thường, chỉ là máu nhiều hơn. Không có thử thách mới mẻ, nên người chơi sẽ dễ cảm thấy hụt hẫng.
Tổng kết
Doom: The Dark Ages là một trải nghiệm FPS đỉnh cao, với lối chơi cực kỳ mãn nhãn, đầy hành động, dù phần cuối game có hơi hụt hơi. Đây là món ăn không thể bỏ qua cho những ai yêu thích Doom 2016, Doom Eternal, hoặc đang tìm kiếm một game bắn súng tốc độ cao đỉnh cao.