Skin súng trong Valorant có thực sự là "pay to win" hay không? Bài viết này sẽ giải đáp toàn bộ thắc mắc của các game thủ về vấn đề này.
Pay to win là một thuật ngữ dùng để ám chỉ hành động "cào thẻ", nạp tiền để mang lại chiến thắng cho người chơi. Ở một số tựa game nhập vai, pay to win là điều chắc chắn phải làm nếu bạn muốn chiến thắng. Nhưng với những tựa game Esports, và nhất với Valorant, điều đó hoàn toàn không thể xảy ra.
Thế quan điểm mua súng skin súng trong Valorant sẽ được tăng sức mạnh, một dạng pay to win ngầm liệu có thực sự đang tồn tại, câu trả lời là vừa sai mà cũng vừa đúng.
Như đã đề cập ở trên, việc những tựa game Esports có tính cạnh tranh, đòi hỏi nhiều sự luyện tập cũng như tinh thần đồng đội cao hoàn toàn không thể để vấn đề tiền bạc dính líu vào. Hãy tưởng tượng nếu bỏ ra vài chục hay vài trăm đô la để sở hữu một khẩu súng không giật, tốc độ ra đạn nhanh như Spectre và sát thương của một khẩu Operator, lúc đó các game thủ không có điều kiện sẽ thi đấu ra sao? Và tính công bằng, vốn là một trong những yếu tốt cốt lõi của Esports sẽ biến mất. Valorant sẽ không còn là một tựa game Esports nếu để tình trạng pay to win diễn ra dù chỉ là trên 1 cây súng lục tưởng chừng như vô hại.
Các skin súng trong Valorant hoàn toàn được giữ nguyên bộ chỉ số gốc, từ tốc độ thay đạn, cho đến sát thương, độ giật... Tất cả mọi thứ đều sẽ y nguyên như khẩu súng đen mặc định mà tất cả mọi game thủ đều có để đảm bảo tính công bằng cao nhất. Thế nên bảo Valorant pay to win là sai.
Thế nhưng, việc mua skin súng để đem lại trải nghiệm tốt hơn khi bắn lại hoàn toàn có thật. Đã có không ít trường hợp, game thủ đồn thổi với nhau về một khẩu Vandal có khả năng "sấy" rất tốt ( Vandal Prime là một trong số đó ). Vậy thực hư chuyện này ra sao?
Các skin súng khi được thiết kế sẽ có sự thay đổi về hoạt ảnh, hiệu ứng và âm thanh. Các thay đổi này chỉ mang tính chất "làm màu" và hoàn toàn không có bất cứ sự can thiệp nào vào chỉ số gốc của súng. Tuy nhiên, vì mỗi game thủ đều có một "gu" khác nhau, một cách cảm nhận khác nhau (như cảm nhận âm nhạc, hội họa...) nên chúng sẽ trở nên bắt tai bắt mắt hơn. Từ đó tạo cảm giác ảo và khiến họ tin rằng, các khẩu súng đó thực sự được tăng sức mạnh.
Vẫn lại là ví dụ về Vandal, những khẩu Vandal có tiếng súng được làm lại to, rõ, vang và nghe "uy lực" sẽ được game thủ tin dùng để "tap" nhiều hơn so với súng mặc định. Glitchpop, RGX, Elderflame... là những cái tên tiêu biểu khi nói về khả năng bắn 1 viên 1 đầu.
Về phần ngược lại, khi sấy, game thủ thường có xu hướng thích nghe những loại âm thanh êm dịu hơn là uy lực. Tần số âm vừa phải khiến cho người chơi có cảm giác sẽ kiểm soát được khẩu súng ấy. Đó là lí do Bundle Prime luôn được đồn đoán là sẽ đem lại cảm giác sấy "đầm" hơn. Kể cả với khẩu súng Vandal - một trong những khẩu súng khó sử dụng nhất của Valorant, khi khoác lên mình bộ skin Prime, khẩu súng này cũng được cho là dễ kiểm soát hơn.
Chung quy lại, vấn đề chính theo GosuGamersVN cảm nhận, tất cả nằm ở âm thanh của súng. Một khẩu súng được thiết kế với âm thanh khi bắn được hoàn thiện tốt sẽ tạo ra rất nhiều cảm giác mới lạ và kích thích cho game thủ. Từ đó, trải nghiệm bắn của người chơi sẽ trở nên thú vị và có nhiều cảm hứng hơn, kéo theo đó sẽ kích thích khả năng bắn tốt hơn chứ hoàn toàn không có dính dáng gì đến vấn đề pay to win. Bắn hay hoặc dở vẫn cho chính bạn mà thôi.